Cây hoa cứt lợn chữa viêm xoang, rong kinh hiệu quả

Tác giả:
Thu Uyên
Update on:
12/4/2023
Tham vấn y khoa:
Bác sĩ Lại Kiều Hoa

Hoa cứt lợn là một loại cây cỏ dại nhỏ mọc rất nhiều ở vùng đồng quê Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng dùng hoa cứt lợn chữa viêm xoang, rong kinh rất hiệu quả. Kính mời bạn đọc hãy cùng Sức Khỏe 24 Giờ tìm hiểu về đặc điểm khoa học và công dụng của loại hoa quen thuộc này nhé!

Tóm Tắt Nội Dung Bài Viết [Hiện]

Hoa cứt lợn là hoa gì?

Tên gọi khác của hoa cứt lợn là hoa ngũ vị, cỏ hôi, bù xít, thắng hồng kế...

Tên tiếng Anh: Ageratum conyzoides L. Đây là loại cây thực vật thuộc họ cúc – Asteraceae.

Hình ảnh hoa cứt lợn tím

1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Hoa cứt lợn là một loại cây dại mọc hoang ở khắp mọi nơi, chủ yếu thường thấy ở vùng nông thôn, ví dụ như bên vệ đường, bãi đất trống, vườn nhà, ở bờ ruộng. Loại cây này có hai loại chính thường gặp là hoa cứt lợn tím và trắng.

Người ta có thể thu hái loại cây này vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên nên thu hoạch vào tháng 9 là tốt nhất. Để làm thuốc, có thể lấy những cây trưởng thành đem bỏ rễ, bỏ phần sâu bệnh, bị hỏng rồi rửa cho sạch bụi bẩn rồi dùng tươi hoặc đem phơi khô.

Đối với những ai muốn dùng hoa cứt lợn tươi thì cần dùng nước muối pha loãng để khử trùng bằng cách ngâm ngập hoa. Còn đối với trường hợp dùng khô, nên băm nhỏ ra thành nhiều khúc ngắn từ 2 đến 3cm rồi đem sấy hoặc phơi khô.

🔰 Mô tả chung

Hoa cứt lợn là một loại cây thân nhỏ, mềm, có chiều cao trung bình từ 20 – 50cm. Thân thường có màu tím hoặc xanh, có nhiều lông mềm màu trắng bao phủ.

Lá mọc đối xứng, có hình trứng, một đầu nhọn, có cuống ngắn, chiều rộng từ 1 – 3cm, chiều dài từ 2 – 6cm, có hình răng cưa tròn ở hai bên mép lá. Cả mặt dưới lẫn mặt trên của lá đều có lông nhưng mặt dưới thường nhạt hơn. Khi vò lá ngửi sẽ thấy có một mùi hắc khó chịu.

Hoa thường có màu xanh hoặc màu tím, mọc thành chùm ở đầu ngọn, được tạo bởi nhiều cánh nhỏ li ti ở mỗi bông. Người ta thường chia hoa thành loại hoa màu trắng và màu tím.

Quả của cây thường có màu đen, có khoảng 3 đến 5 sống dọc.

🔰 Bộ phận làm thuốc – bào chế

Toàn bộ thân, lá, hoa của hoa cứt lợn đều sử dụng được ở dạng tươi hoặc dạng khô.

🔰 Bảo quản

Với loại cây tươi, có thể sử dụng ngay sau khi vừa thu hoạch và tránh để nước chảy vào. Còn nếu dùng khô thì có thể bảo quản trong hộp, túi kín và để ở những nơi thông thoáng, không ẩm mốc, tránh sâu mọt.

Bạn có thể bảo quản được ở trong ngăn mát tủ lạnh bằng cách cho vào túi ni lông rồi đục vài lỗ nhỏ. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ có thể bảo quản được khoảng 2, 3 ngày mà thôi.

2. Thành phần hóa học và công dụng của hoa cứt lợn

🔰 Thành phần hóa học

Theo nhiều nghiên cứu, cây hoa cứt lợn thường chứa rất nhiều thành phần hóa học khác nhau như tinh dầu (chiếm từ 0,7% – 2%), acid caffeic, quercetin, acid fumaric, charmomones, resins, phenol, coumarins, cadinne, kaempferol, tannins, saponin và ancol.

Trong đó, có 3 thành phần chính của tinh dầu là caryophyllene, ageratochromen và demetoxygeratocromen chiếm đến 77%.

Tinh dầu thường có màu vàng nhạt, đôi khi có màu vàng nghệ, hơi sánh đặc và có mùi thơm dễ chịu.

Ngoài ra, còn có thêm các thành phần khác.

🔰 Tác dụng y học hiện đại

Nhờ chứa nhiều thành phần hóa học, hoa cứt lợn còn có nhiều tác dụng như:

  • Liều lượng thấp có thể hạn chế các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên.
  • Ức chế một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh và vi khuẩn coli.
  • Có tác dụng chống dị ứng, chống viêm, chống phù nề khi nghiên cứu trên đối tượng là động vật.
  • Giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào, ngăn ngừa chứng táo bón do chứa hàm lượng protein và chất xơ dồi dào.
  • Giúp làm loãng dịch đờm, đẩy nhanh quá trình thoát dịch ra khỏi hốc xoang nhằm cải thiện hiện tượng nghẹt mũi, thở khò khè khó chịu.
  • Bên cạnh đó, khoa tai mũi họng của bệnh viện Việt Nam – Cuba cũng đã nghiên cứu và cho kết quả về tác dụng của hoa cứt lợn với bệnh viêm mũi xoang, cụ thể:
  • Mang lại hiệu quả tốt trong điều trị bệnh viêm mũi xoang dị ứng và viêm mũi xoang mãn tính. Tác dụng kéo dài có thể làm giảm viêm, giảm hắt hơi, giảm tiết dịch, giảm nghẹt mũi, giảm nhức đầu sổ mũi.
  • Ít có hiệu quả đối với trường hợp viêm mũi xoang có mủ đặc dù bệnh ở giai đoạn cấp hay mãn tính.
  • Hầu như không gây ra tác dụng phụ cho bệnh nhân, trừ tác dụng là sốt trong thời gian nhỏ mũi.
  • Ngoài ra, có thể dùng để điều trị chứng rong huyết ở phụ nữ sau sinh.

🔰 Tác dụng y học cổ truyền

Theo đông y, hoa cứt lợn có tính mát, vị cay, hơi đắng và có mùi hôi, có thể gây nôn khi vò ra ngửi.

Các tác dụng chính là giúp sát trùng, thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, tiêu sưng.

3. Liều dùng hoa cứt lợn

  • Khi uống nên sử dụng từ 15 – 30g khô, hoặc từ 30 – 60g tươi.
  • Liều dùng có thể thay đổi tùy thuộc vào phương pháp sử dụng.

4. Đối tượng sử dụng

  • Phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng rong kinh.
  • Người bị viêm xoang ở giai đoạn cấp tính.
  • Người bị sốt, cảm.
  • Người bị nhiễm trùng, mụn nhọt, nóng trong người.

Hoa cứt lợn chữa viêm xoang

Hoa cứt lợn chữa viêm xoang

Sử dụng hoa cứt lợn chữa viêm xoang rất hiệu quả. Nguyên nhân là do trong loại cây này thường chứa nhiều thành phần có khả năng làm loãng chất dịch tiết ra từ mũi, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng như đau nhức, sổ mũi, nghẹt mũi rất hiệu quả. Đồng thời, nó cũng có khả năng ức chế sự phát triển, lây lan của một số loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn E. coli, tụ cầu vàng. Từ đó giúp loại bỏ nhanh dịch đờm, giúp đường thở trở nên thông thoáng, dễ dàng. Các bạn có thể tham khảo một số bài thuốc từ cây hoa mọc dại này nhé:

Cách chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng bằng hoa ngũ sắc là bài thuốc lành tính, an toàn và cách thực hiện đơn giản. Mỗi bài thuốc sẽ sẽ các công thức thực hiện, tác dụng riêng (Nguồn tham khảo 1, 2). Cụ thể:

1. Uống nước sắc từ cây hoa cứt lợn chữa viêm xoang

Đây được coi là một bài thuốc có cách thực hiện rất đơn giản, dễ dàng và không hề tốn chi phí mà bạn có thể áp dụng.

Nguyên liệu:

  • Hoa, lá cứt lợn tươi đã rửa sạch
  • Dược liệu khô

Cách thực hiện:

  • Đem sắc dược liệu khô cùng một chút nước sạch, nấu đến khi còn khoảng 200ml.
  • Chia làm 2 lần uống sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ.
  • Kiên trì sử dụng cho đến khi các biểu hiện của bệnh thuyên giảm.

2. Hỗ trợ điều trị viêm xoang bằng dung dịch hoa cứt lợn

Không chỉ sắc nước uống, bạn cũng có thể tự chế biến hoa cứt lợn thành dung dịch để chữa bệnh viêm xoang, đặc biệt là trường hợp bị viêm xoang mãn tính.

Nguyên liệu:

  • Hoa cứt lợn tươi
  • Lọ đựng thuốc rỗng sạch

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch hoa ngũ vị rồi đem để cho ráo nước.
  • Đem giã nát rồi vắt lấy phần nước cốt, cho vào lọ đựng thuốc rỗng.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ mũi.
  • Kiên trì sử dụng thuốc để nhỏ mũi từ 2 – 3 lần/ngày.

Lưu ý, khi mới sử dụng thuốc, có thể bạn sẽ thấy hơi đau rát, khó chịu nhưng sau vài lần sẽ thấy đỡ. Nếu sau vài lần mà thấy không đỡ, bạn nên sử dụng tăm bông. Còn trường hợp sử dụng tăm bông và không thấy đỡ, hãy dừng sử dụng và đi thăm khám bác sĩ.

3. Tẩm bông nhét mũi bằng nước cốt cây hoa cứt lợn

Nguyên liệu:

  • Hoa, lá cứt lợn tươi
  • Bông gòn

Cách thực hiện:

  • Đem rửa sạch hoa cứt lợn rồi vắt lấy phần nước cốt
  • Sử dụng bông sạch tẩm nước cốt rồi đưa nhẹ nhàng vào bên mũi bị xoang.
  • Giữ nguyên khoảng 3 – 5 phút, sau đó rút bông ra.
  • Nên thực hiện đều đặn hàng ngày để thấy được hiệu quả.

4. Xông hơi – một liệu pháp chữa viêm xoang với hoa cứt lợn

Nếu không sắc nước uống, sử dụng dung dịch, bạn cũng có thể áp dụng cách xông hơi từ hoa cứt lợn để chữa bệnh viêm xoang.

Nguyên liệu: cần có là hoa cứt lợn tươi

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch hoa cứt lợn, sau đó cho vào một nồi nước đun sôi.
  • Đợi nước đôi thì tắt bếp, trùm kín đầu bằng khăn sạch rồi tiến hành xông hơi.
  • Cần hít thở sâu từ 10 – 15 phút nhằm giúp tinh dầu đi sâu vào các khoang mũi, từ đó giúp thông thoáng phần mũi.

Lưu ý: Tránh xông hơi ở nhiệt độ quá cao để tránh bị bỏng. Khi áp dụng, cần kiên trì thực hiện trong vòng 2 – 3 tuần, mỗi tuần khoảng 3 lần và nhớ vệ sinh mũi sạch sẽ rồi mới xông.

5. Bài thuốc từ cây hoa cứt lợn, kim ngân và ké đầu ngựa

Nguyên liệu:

  • Hoa cứt lợn
  • Ké đầu ngựa
  • Kim ngân

Cách thực hiện:

  • Cho hoa cứt lợn, kim ngân và ké đầu ngựa vào nồi sạch, thêm vào chút nước.
  • Đem sắc đến khi thấy đặc lại thì tắt bếp.
  • Chia uống làm 2 – 3 lần trong ngày.
  • Nên kiên trì sử dụng thuốc trong vòng 5 – 7 ngày để nhận được hiệu quả.

Công dụng khác của hoa cứt lợn

🔰 Hoa cứt lợn hỗ trợ điều trị phụ nữ bị rong kinh, rong huyết sau sinh

Hoa cứt lợn có tác dụng hiệu quả trong việc điều hòa, ổn định chu kỳ kinh nguyệt, giúp chữa rong kinh, rong huyết, sa tử cung...

Cách thực hiện khá đơn giản: Lấy khoảng 50g cây cỏ hôi còn tươi rồi rửa sạch, giã nát cùng một chút nước ấm. Lọc lấy nước để uống 1 lần vào buổi sáng, nên uống liên tục trong 4 ngày. Nên kiên trì uống liên tục trong 4 ngày.

🔰 Hoa cứt lợn hỗ trợ điều trị viêm hô hấp, viêm họng

Cách thực hiện: Đem sắc các thành phần như cây cỏ hôi, lá rẻ quạt, cam thảo đất và kim ngân hoa với 300ml nước. Lấy nước đã sắc được chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và tối. Không nên để thuốc sang ngày khác mà nên uống hết trong ngày.

🔰 Hoa cứt lợn có tác dụng làm mượt tóc

Cách thực hiện: Cho hoa cứt lợn và bồ kết nước nấu với nước rồi dùng để gội đầu. Thực hiện cách này đều đặn sẽ thấy tóc trở nên bóng mượt, sạch gàu và có mùi thơm rất dễ chịu.

🔰 Chữa bệnh ở yết hầu

Cách thực hiện: Rửa sạch một nắm hoa cứt lợn rồi giã nát, cho vào một chút nước rồi đem đun sôi. Đợi nước nguội hẳn, lọc lấy nước rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Nếu khó uống có thể cho thêm chút đường cho dễ uống.

🔰 Chữa cảm mạo gây sốt

Cách thực hiện tại nhà: Lấy khoảng 15 – 20g hoa cứt lợn đem sắc với nước rồi chia làm 2 phần uống trong ngày.

🔰 Chữa bỏng, loét da

Cách thực hiện: Trộn đều một nắm hoa ngũ vị với muối, gạo rồi xay nhuyễn. Đem hỗn hợp này đắp trực tiếp vào vùng da bị tổn thương, dùng vải sạch cố định lại.

🔰 Chữa mụn nhọt

Cách thực hiện: Rửa sạch một nắm thân, lá cây cỏ hôi với nước rồi trộn đều cùng một thìa muối, cơm nguội. Đem giã nát rồi đắp vào nơi có mụn, dùng băng gạc hoặc vải sạch cố định lại.

🔰 Chữa chàm da

Cách làm: Chuẩn bị một nắm hoa cứt lợn rồi rửa sạch, đun cùng một chút nước trong khoảng 10 phút. Đợi cho nước nguội rồi dùng để vệ sinh vùng da bị tổn thương. Mỗi ngày nên thực hiện 2 lần.

🔰 Chữa viêm tai

Cách thực hiện: Hái một nắm cây cỏ hôi rồi rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy phần nước cốt. Sau đó, lấy tăm bông thấm nước cốt vào và cho vài tai. Nên thực hiện từ 2 – 3 lần trong ngày.

Lưu ý khi sử dụng hoa cứt lợn

Mặc dù hoa cứt lợn có rất nhiều công dụng và lành tính, tuy nhiên mọi người không nên lạm dụng hoặc sử dụng chúng với liều lượng lớn. Hãy lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng để giúp mang lại hiệu quả tốt:

  • Cần sử dụng với liều lượng phù hợp, tốt nhất chỉ nên dùng khoảng từ 30 – 60g loại tươi để pha nước uống, nếu dùng loại khô thì cần giảm đi một nửa.
  • Những người bị dị ứng với các thành phần của cây thì không nên sử dụng.
  • Tránh nấu uống hàng ngày thay cho nước lọc trong thời gian dài.
  • Tránh tự ý sử dụng các bài thuốc, cách chữa dân gian khi chưa đi thăm khám. Tốt nhất nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

🔰 Bạn có quan tâm:

Bệnh viêm xoang và những ảnh hưởng đến sức khỏe

Viêm xoang là một căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau. Khi niêm mạc bị phù nề, tăng tiết nhầy do các tác nhân làm tắc nghẽn xoang, tình trạng viêm sẽ xuất hiện. Trường hợp bệnh khởi phát dưới 4 tuần được xem là viêm xoang cấp tính, còn nếu kéo dài trên 4 tuần và trên 3 tháng thì được coi là viêm xoang mãn tính.

Bệnh bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hình thành nên các tổn thương ở tế bào lông ở niêm mạc xoang. Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố gây dị ứng như do dị ứng với phấn hoa, sống, làm việc ở môi trường khói bụi, độc hại, thời tiết lạnh... hoặc có thể là do bệnh tái phát lại nhiều lần.

Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm sổ mũi, hắt hơi khá giống với bệnh cúm thông thường. Tuy nhiên, còn có thêm các biểu hiện khác như chảy nước mũi, nghẹt mũi, nước mũi có màu xanh bất thường. Nếu bệnh chuyển sang mức độ nặng, người bệnh còn bị đau mỏi mặt, sốt, nhức ở trán, gò má hoặc ở thái dương, nghiêm trọng hơn là không thể ngửi thấy mùi vị.

Thông thường, cách chẩn đoán bệnh viêm xoang phổ biến nhất là nội soi tai mũi họng. Khi thấy có dịch vàng xanh chảy ra từ niêm mạc, khe xoang của mũi kèm hiện tượng viêm đỏ, phù nề, dịch tiết ra nhiều hơn thì cần tiến hành chụp cắt lớp vi tính sẽ thấy rõ hơn.

Nếu không chú ý chữa trị dứt điểm, nhanh chóng thì bệnh viêm xoang có thể tiến triển nặng hơn, dẫn đến viêm xoang mãn tính. Đồng thời, bệnh còn tái phát lại nhiều lần kèm theo nhiều tác hại làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của bệnh nhân.

Trên đây là bài viết về cách sử dụng cây hoa cứt lợn chữa viêm xoang, rong kinh hiệu quả được lưu truyền trong dân gian. Mọi người lưu ý những phương pháp điều trị tại nhà tuy lành tính nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.